Chào Bác Sỹ,
Tôi tên Quốc Dũng, xin phép được hỏi rằng: Con tôi tên Phúc Long, là bé sơ sinh được 2T14N (04/10/2022). Từ khi ra đời mắt trái cháu Long chảy nước mắt, tái khám sau 1 tháng thì B.sỹ tư vấn dùng Dung dịch nhỏ mắt Tobrex trong 10 ngày thì bớt chứ ko hết. Hiện mắt bé tái lại trong 4 ngày gần đây, chảy nước mắt và có ghèn xanh. Mong bác sỹ tư vấn giúp hiện tình trạng mắt cháu Long có nghiêm trọng không? Tôi đã lịch hẹn khám ngày 17/01/2023. Mong bác sỹ hồi đáp vì tư cách là Ba hiện tôi đang lo lắng. Tôi mong đợi cau trả lời từ phí quý Bác sỹ Đa Khoa Golden.
Trân trọng.
Chào ba Quốc Dũng,
Thành thật xin lỗi vì hiện tại mới thấy tin nhắn của ba và phòng khám đã nhanh chóng gửi cho bác sĩ chuyên khoa Mắt cung cấp thêm thông tin cho ba, mặc dù bé đã khám và tư vấn rồi. Mong những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp ích thêm cho ba và bé ạ. Chúc bé nhanh khỏi bệnh.
Bs. Nguyễn Duy Tiến đại diện khoa Mắt phòng khám Golden Healthcare gửi đến cả nhà mình tư vấn như sau:
“Bé nhà mình bị tình trạng tắc ống lệ mũi bẩm sinh: có các triệu chứng do nước mắt bị ứ đọng và gây chảy nước mắt, đôi khi kèm theo mủ và nhầy. Tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý lệ đạo ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tắc ống lệ mũi có biểu hiện lâm sàng từ 2% – 4% ở số trẻ sinh đủ tháng từ 2 – 4 tuần tuổi. Trong số đó có khoảng 1/3 số trẻ bị tắc ống lệ mũi ở cả hai mắt.
Nguyên nhân thường do tồn tại màng ngăn ở đầu xa của ống lệ mũi. Trẻ thường có biểu hiện mắt luôn ẩm ướt, có ghèn dính ở lông mi, chảy nước mắt sống ngay cả khi trẻ không khóc và có nước dạng nhầy hoặc nhầy mủ trào ngược ở góc trong mắt khi ấn vùng túi lệ (chổ hai mi mắt tiếp giáp với mũi).
Tùy thuộc độ tuổi của trẻ mà có cách phương pháp điều trị khác nhau. Theo “The Wills Eye Manual” thì trẻ nhỏ hơn 12 tháng tuổi nên tiến hành massage vùng túi lệ.
Kể từ tháng 13 trở đi, nếu tình trạng tắc ống lệ mũi vẫn còn, khi đó phải tiến hành thông lệ đạo. Đa phần sẽ thành công trong lần thông lệ đạo đầu tiên, một vài trường hợp thất bại sẽ phải thực hiện lại, sau 3 lần vẫn không thành công khi đó sẽ phải tiến hành phẫu thuật đặt dây silicon trong lòng lệ quản.
Kỹ thuật xoa nắn tắc lệ đạo bẩm sinh
Cha mẹ có thể áp dụng kỹ thuật day, xoa nắn theo các bước sau:
Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ. Dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một góc khoảng 10 -15 độ. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ và day ngược lên phía trên và về phía mắt để đẩy mủ ở trong túi lệ (nếu có) qua lệ quản ra ngoài.
Dùng bông lau sạch mủ nhầy. Nhỏ 1-2 giọt kháng sinh vào kết mạc cung đồ. Chờ 1 – 2 phút, sau đó đặt lại đầu ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn một áp ực vừa phải và miết dọc xuống dưới về phía cạnh mũi, lặp lại thao tác này 10 – 15 lần.
Mỗi ngày thực hiện day, xoa nắn 3 đợt. Sau một tháng không khỏi nên đưa trẻ đi khám để bác sỹ để có chỉ định tiếp theo”
Cảm ơn ba đã tin tưởng và đã gửi câu hỏi cho nhóm bác sĩ Golden Healthcare.
Trân trọng.