Đau Dạ Dày

Lượt xem: 3.14k

Đau dạ dày là như thế nào? – Đau dạ dày là khi bạn có cảm giác đau hoặc khó chịu vùng bụng. Có thể đó là triệu chứng duy nhất, nhưng đôi khi, bạn sẽ có thêm những triệu chứng khác như:
• Cảm giác nóng vùng ngực như ợ nóng
• Ợ hơi
• Đầy bụng (cảm giác như bụng chứa đầy hơi)
• Cảm giác no khi vừa mới bắt đầu ăn

Khi nào thì bạn nên gặp Bác sĩ nếu bị đau dạ dày? – Hầu hết trường hợp không cần gặp Bác sĩ khi bị đau dạ dày. Trừ khi bạn có các dấu hiệu sau đây:
• Tiêu ra máu, tiêu chảy hoặc nôn ói
• Đau nhiều và kéo dài hơn 1 giờ hoặc tái đi tái lại hơn 24 giờ
• Không thể ăn hoặc uống nhiều giờ liền
• Sốt hơn 39 độ C
• Sụt cân không tự ý hoặc chán ăn

Nguyên nhân nào gây đau dạ dày? – Trong vài trường hợp, đau dạ dày được gây ra bởi những nguyên nhân cụ thể, như loét dạ dày (một vết lở loét trong dạ dày) hoặc viêm túi thừa, là tình trạng những túi nhỏ trong ruột già bị nhiễm trùng. Nhưng trong vài trường hợp khác, Bác sĩ có thể không biết được nguyên nhân gây đau cũng như nguyên nhân gây ra các triệu chứng đi kèm. Dù vậy, Bác sĩ có thể giúp bạn điều trị triệu chứng đau dạ dày.

Điều trị có thể giúp giảm triệu chứng khó chịu ở dạ dày ra sao? – Nếu bị loét dạ dày, hay những nguyên nhân cụ thể, việc điều trị hầu như sẽ giúp giảm bớt triệu chứng của bạn. Nhưng nếu không biết được nguyên nhân, Bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng các thuốc giảm tiết axít trong dạ dày. Những thuốc này thường sẽ giảm đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm.
Bản thân tôi có thể làm gì không để phòng ngừa đau dạ dày? – Câu trả lời là có. Những thức ăn bạn ăn hoặc cách ăn có ảnh hưởng lớn đến điều đó dù bạn có cảm nhận được cơn đau hay không.

Để giảm thiểu khả năng bị đau dạ dày, bạn nên:

• Tránh ăn chất béo, như thịt đỏ, bơ, đồ chiên hoặc phô mai
• Ăn nhiều bữa nhỏ tốt hơn là ăn hai hoặc ba bữa lớn
• Tránh xa những thức ăn khiến triệu chứng của bạn tệ hơn
• Tránh dùng thuốc có thể làm tình trạng bệnh xấu đi – Ví dụ aspirin hoặc ibuprofen.

Một số người – nhất là trẻ em – bị đau dạ dày sau khi uống sữa hoặc ăn phô mai, kem, hoặc thức ăn có chứa sữa. Tình trạng đó được gọi là “không dung nạp lactose”, có nghĩa là những người này không thể tiêu hóa được những thức ăn có chứa thành phần sữa.

Những người mắc chứng không dung nạp lactose có thể phòng tránh bằng cách dùng thuốc có tên là Lactase, Lactase có thể giúp cơ thể bạn tiêu hóa được sữa. Môt số loại thực phẩm có kèm chất này trong thành phần.

Nếu đau dạ dày có liên quan đến tình trạng bón, nghĩa là bị khó đi tiêu, bạn có thể cần dùng thêm chất xơ hoặc thuốc nhuận trường. (Thuốc nhuận trường giúp làm tăng số lần đi tiêu của bạn.)

Dùng nhiều chất xơ cũng giúp làm tăng số lần đi tiêu. Chất xơ có thể có trong:
• Ăn nhiều trái cây, rau và các loại ngũ cốc nguyên hạt
• Dùng thuốc dạng viên, bột hoặc bánh chứa chất xơ

Đau dạ dày ở trẻ em có tương tự như ở người lớn không? – Nói chung là giống. Trẻ em có thể bị đau dạ dày do những nguyên nhân tương tự người lớn. Cũng giống như người lớn, Bác sĩ có thể không biết nguyên nhân gây ra đau dạ dày ở trẻ em. Nhưng ở trẻ em, đau dạ dày thường tăng lên khi căng thẳng hoặc lo lắng. Khi đó, bạn có thể thấy yếu tố tâm lý hoặc cảm xúc sẽ khiến cơn đau của trẻ tăng lên rõ rệt.

Nguồn: Uptodate.com

 Hotline: 0369 03 18 18
📍 Địa chỉ: 37 Hoàng Hoa Thám, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.