Đột quỵ xảy ra khi dòng máu lên não bị giảm bớt hoặc bị tắc nghẽn. Dòng máu có thể bị tắc do máu bị đóng cục, tạo thành mảng hoặc do mạch máu bị rò rỉ. Đôi khi dòng máu lên não bị tắc nghẽn trong một thời gian ngắn.
Nếu có dấu hiệu bị đột quỵ, nhưng các dấu hiệu này biến mất trong vài phút cho tới vài giờ, hiện tượng này gọi là TIA hay “transient ischemic attack” (cơn thiếu máu cục bộ trong thời gian ngắn) hoặc “tiểu đột quỵ”. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng chắc chắn đã có vấn đề và đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Khi dòng máu lên não bị tắc nghẽn, gây tổn thương vĩnh viễn, hiện tượng đó gọi là đột quỵ. Người ta có thể tiến hành các thủ tục khám nghiệm để xác định dạng, địa điểm và nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng máu lên não.
Các Dấu Hiệu
Các ảnh hưởng của đột quỵ tùy thuộc vào địa điểm và mức độ tổn thương đối với não. Các dấu hiệu thường xảy ra bất ngờ và có thể bao gồm:
• Tê cứng, ngứa ran hoặc suy nhược ở vùng mặt, tay hoặc chân, thường chỉ ở một bên cơ thể
• Lú lẫn hoặc khó hiểu
• Có các vấn đề về phát ngôn
• Gặp vấn đề khi nhìn bằng một hoặc cả hai mắt
• Chóng mặt hoặc khó giữ thăng bằng, khó phối hợp cử động hoặc đi lại
• Bỗng nhiên bị đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân
Việc Chăm Sóc Chữa Trị
Mục tiêu của việc chăm sóc chữa trị là ngăn làm cho não bị tổn thương thêm. Điều quan trọng là tới bệnh viện ngay.
Đôi khi phải mất vài ngày mới biết được là đã xảy ra dạng tổn thương nào. Khả năng phục hồi sau khi đột quỵ rất khó dự đoán. Việc chăm sóc chữa trị sẽ được sắp xếp dựa trên các nhu cầu của quý vị.
Việc đó có thể bao gồm:
• Trị liệu phục hồi
• Tập thể dục để làm tăng sinh lực cho cơ bắp
• Điều chỉnh hoạt động để sử dụng phía bên người còn khỏe
• Tập cách nói chuyện và giao tiếp
• Tập cách ăn uống an toàn
Các Yếu Tố Có Nguy Cơ Gây Bệnh
Những người có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ nếu:
• Mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường, mức cholesterol trong máu cao, bệnh tim hoặc trước đó đã từng bị đột quỵ
• Có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh đột quỵ
• Quá mập
• Không vận động hoặc không tập thể dục
• Tinh thần rất căng thẳng
• Ăn các loại thực phẩm có nhiều cholesterol và chất béo
• Hút thuốc hoặc dùng các sản phẩm thuốc lá
• Uống quá nhiều đồ uống có cồn
• Dùng các loại ma túy bất hợp pháp
• Bị thương ở đầu hoặc bệnh liên quan tới chảy máu
Nếu chúng ta có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá để tìm cách kiểm soát các yếu tố đó.
Để Ngăn Ngừa Đột Quỵ:
• Chữa các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao và bệnh tim, nếu có
• Cai thuốc lá
• Tập thể dục
• Ăn uống lành mạnh và giảm cân nếu quý vị quá mập
• Hạn chế dùng đồ uống có cồn từ 1 tới 2 ly một ngày
• Tránh té ngã và thương tích
Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá nếu bạn có thắc mắc hoặc vấn đề lo ngại.
Nguồn: healthinfotranslations.org
Hotline: 0369 03 18 18
Địa chỉ: 37 Hoàng Hoa Thám, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.