Sữa là thực phẩm quý giá vì cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho trẻ. Thế nhưng, nếu trẻ dị ứng với sữa, bạn phải làm sao?
Sau khi uống sữa, bé bị phát ban vùng miệng, tiếp theo là ở mặt, cổ, ngực, bụng, tay chân thì có thể bị dị ứng sữa. Đối với trẻ sơ sinh: Một số nghiên cứu cho thấy việc cho con bú sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu đời có thể giúp ngăn ngừa dị ứng sữa. Bạn có thể chọn sữa công thức từ đậu nành (chứa protein đậu nành) để thay thế. Nếu đang cho con bú và bé bị dị ứng sữa, bạn cũng không nên dùng các sản phẩm từ sữa vì protein trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ và gây ra phản ứng dị ứng.
Dị ứng sữa là một dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em. Đó là một phản ứng bất thường ở hệ miễn dịch của cơ thể đối với sữa và các chế phẩm từ sữa. Phổ biến nhất là sữa bò. Phản ứng dị ứng thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ uống sữa.
TRIỆU CHỨNG
Thông thường, ngay sau khi uống sữa, trẻ bị dị ứng có các triệu chứng như phát ban vùng xung quanh miệng, sau đó xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, bụng và tay chân. Các ban có màu đỏ, lấm tấm, mọc thành từng mảng liền nhau. Một số trẻ nổi ban thành mảng đỏ mà không có lấm tấm hơi gồ lên mặt da và rất ngứa, kèm với thở khò khè, chảy nước mắt, nước mũi. Sau đó, bé có thể đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ, ói mửa.
Trẻ bị dị ứng sữa khác với không dung nạp đạm sữa. Triệu chứng không dung nạp đạm sữa là đầy hơi hoặc tiêu chảy sau khi uống sữa hoặc chế phẩm từ sữa.
NGUYÊN NHÂN
Dị ứng thực phẩm xảy ra do hệ miễn dịch nhạy cảm bất thường. Hệ miễn dịch xác định protein sữa là một vật thể nguy hiểm, nên kích hoạt việc sản xuất các kháng thể immunoglobulin E (IgE) để bất hoạt protein sữa (chất gây dị ứng). Khi tiếp xúc với các protein, IgE nhận ra chúng, gây ra phản ứng dị ứng.
Có hai loại protein chính trong sữa bò có thể gây dị ứng là casein và whey. Một số trường hợp khác là dị ứng với các chất bảo quản hoặc chất phụ gia. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dị ứng sữa là bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, hen phế quản, tuổi nhỏ (dưới 6 tuổi).
LÀM GÌ KHI TRẺ DỊ ỨNG SỮA
Nếu con bạn dị ứng sữa, hãy ngừng ngay loại sữa đang sử dụng. Khi bé ngứa ngáy khắp mình, bạn hãy mang bao tay cho trẻ để tránh cào gãi gây tổn thương. Trường hợp bé chảy nước mũi, nước mắt, bạn hãy bế bé thẳng đứng để dịch không chảy vào đường thở.
Nếu bé thở khò khè do dịch tiết quá nhiều, bạn có thể hút mũi hoặc đờm ở trong miệng cho bé và nhanh chóng đưa bé đến bác sỹ khám càng sớm càng tốt, chứ không được trì hoãn.
Bạn cần nhớ rõ các triệu chứng của con, cũng như nhớ rõ tên bất cứ loại thuốc hoặc chất bổ sung, thực phẩm và loại sữa mà con bạn đang dùng để thông báo với bác sỹ. Bạn cũng nên hỏi bác sỹ xem con mình bị dị ứng sữa hay do không dung nạp lactose. Sau đó, bạn để ý xem khi con không uống sữa nữa thì có dị ứng không.
Cách duy nhất để ngăn chặn các phản ứng dị ứng sữa quá mức với trẻ có tiền sử dị ứng là cho trẻ uống thử một lượng nhỏ sữa khoảng vài thìa café xem phản ứng của cơ thể bé ra sao. Nếu không có phản ứng dị ứng nào, tức là bé có thể dung nạp. Tuy nhiên, khi có trục trặc xảy ra, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ dinh dưỡng.
Trường hợp bé không có nguy cơ bị dị ứng, bạn có thể bỏ qua bước kiểm định này. Song, bạn cần theo dõi tiếp 2-3 ngày sau khi con uống sữa, vì một số trường hợp, phản ứng dị ứng xảy ra muộn sau 2-3 ngày mới gây ra phản ứng dị ứng.
Khoa Nhi tại Golden Healthcare với bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm tại BV Nhi Đồng 2 sẽ thăm khám & điều trị tốt nhất cho các bé.
—————————————-
Đăng ký khám và tư vấn tại Golden Healthcare:
☎ Hotline: 0369 03 18 18
? Website: www.goldenhealthcarevn.com
? Địa chỉ: 37 Hoàng Hoa Thám, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.