SỐT Ở TRẺ EM – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Lượt xem: 1.42k

SỐT Ở TRẺ EM – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
(Theo Bs. Nhi khoa Trương Hoàng Quý tại CARE1)

Khi cơ thể trẻ em bị một một loại vi rút tấn công hay còn gọi là nhiễm trùng thì sốt là phản ứng thường gặp nhất. Khi hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể được kích hoạt để chống lại vi rút, nhiệt độ cơ thể được giải phóng, đồng thời năng lượng tiêu hao trong quá trình phòng vệ sẽ làm nhiệt độ tăng cao gây ra hiện tượng sốt, mệt mỏi và ê ẩm cơ thể. Những lúc đó các bậc phụ huynh thường rất lo lắng và tìm cách giúp bé hạ sốt một cách nhanh nhất. Tuy nhiên có khi những nỗ lực giúp bé lại không đạt được kết quả như mong muốn mà còn làm cho tình trạng có thể tồi tệ hơn.

Đầu tiên, điều quan trọng mà các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng sốt chỉ là một triệu chứng và không phải là bệnh. Khi bé phải trải qua những cơn sốt vô cùng mệt mỏi nhưng đó lại dấu hiệu tích cực cho thấy cơ thể bé đang đấu tranh chống lại nhiễm trùng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sốt như nhiễm vi khuẩn, vi rút hay nhiễm ký sinh trùng. Sốt cũng có thể gây ra bởi các bệnh nghiêm trọng như ung thư, nhưng cũng có thể chỉ là kết quả của việc uống thuốc điều trị hay một bệnh khác.

Phụ huynh cần theo dõi bé trong thời gian sốt và có nhiều phụ huynh lại quá lo lắng về nhiệt độ của con nên họ cố gắng làm mọi cách có thể để hạ sốt. Có một số bé bị sốt do uống thuốc không cần thiết hoặc không đúng cách, điều này vô hình chung làm cho phụ huynh nghĩ con mình sốt là do bệnh ban đầu. Ví dụ, trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản đa số do nhiễm vi rút và phụ huynh nên biết rằng bệnh này không thể điều trị bằng kháng sinh (trên thực tế chưa có thuốc diệt được vi rút trong cơ thể). Đối với vài trường hợp, nếu cho bé bị viêm phế quản uống kháng sinh có thể làm cho bé ho nhiều hơn và khó thở.

Nhiều phụ huynh thường đánh thức con dậy cho uống thuốc hoặc trườm khăm ướt để hạ sốt. Thật sự nếu bé sốt khi đang ngủ thì hệ thần kinh sẽ quản lý mọi thứ mà phụ huynh không cần đánh thức bé để làm gì cả. Bé vẫn ngủ khi sốt chứng tỏ mọi thứ đang được kiểm soát tốt, nếu không thì bé đã thức dậy.

Một sai lầm phổ biến khác là phụ huynh thường cho trẻ uống thuốc để phòng ngừa bé bị sốt. Thuốc hạ số chỉ có tác dụng khi nhiệt độ cơ thể trên 38.5 độ. Nếu dưới 38.5 độ thì thuốc sẽ không có tác dụng. Một số mẹ cho con mình uống thuốc vì e rằng bé sẽ sốt nhưng thực tế không có một tác dụng nào cả.

Theo dõi các triệu chứng kèm theo khi trẻ bị sốt là điều quan trọng nhất, ví dụ như bé có kèm theo sổ mũi, ho hay tiêu chảy không. Nếu bé ho nhiều, phát ban, khó thở kèm theo sốt hoặc sốt liên tục 3 ngày trở lên thì đây là vấn đề đáng lo ngại và nên đưa bé đi khám bác sĩ. Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt thì nên đưa bé đi bác sĩ ngay vì sốt ở độ tuổi này là rất nguy hiểm. Nếu không quá lo ngại như những trường hợp trên thì các bậc phụ huynh nên cho bé nghỉ ngơi và uống nhiều nước vì sốt là một triệu chứng.

Khi trẻ bị sốt và đi khám bác sĩ, việc cho thuốc là không cần thiết. Theo tôi biết, nhiều bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh cho trẻ em bị các bệnh đường hô hấp trên (như ho, sổ mũi và/hoặc sốt). Nhưng thực tế là kháng sinh chỉ có tác dụng hiệu quả với rất ít bệnh gây sốt.

Nhiều bác sĩ nghĩ rằng kê toa cho trẻ là nghĩa vụ của họ. Đồng thời phụ huynh sẽ cảm thấy không thỏa đáng nếu họ đưa con đi khám mà bác sĩ lại không kê toa. Không may, việc này đã làm cho tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng – đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Nếu một đứa bé gặp tình trạng kháng kháng sinh thì đứa trẻ này sẽ không thể hấp thụ kháng sinh những khi cần thiết.

Một thực trạng khác tại Việt Nam làm cho việc kháng kháng sinh ngày nghiêm trọng là kháng sinh có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc mà không cần bác sĩ kê toa. Phụ huynh có thể mua thuốc cho con mình tại các nhà thuốc mà không cần đưa bé đi khám. Nếu tình trạng của bé không cải thiện trong vài ngày thì phụ huynh sẽ đưa bé đi bác sĩ. Nhưng trong quá trình sử dụng thuốc trong những ngày vừa qua, kháng sinh đã phần nào làm giảm đi triệu chứng của bệnh, điều này đã gây cản trở cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Tôi thường khuyên nhiều phụ huynh nếu đưa trẻ đi khám ở các bệnh viện hay phòng khám khác, hãy đặt câu hỏi với bác sĩ rằng liệu việc kê toa kháng sinh là cần thiết? Nếu phụ huynh đặt câu hỏi này, tôi chắc rằng bác sĩ sẽ cân nhắc.

Liều thuốc hạ sốt đơn giản nhất chính là để bé nghỉ ngơi và chờ cho cơn sốt hạ nhiệt một cách tự nhiên.

——————————————————
Đăng ký khám và tư vấn tại Golden Healthcare:
 Hotline: 0369 03 18 18
? Website: www.goldenhealthcarevn.com
? Địa chỉ: 37 Hoàng Hoa Thám, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.